Thông báo mới của Thủ tướng Narendra Modi được phát trên truyền hình quốc gia tối 24/3. Ông cho biết lệnh phong toả có hiệu lực trong 21 ngày nhằm "cứu Ấn Độ" trước Covid-19, cảnh báo nếu không xử lý tốt, Ấn Độ có thể tụt hậu 21 năm.
"Tôi bất ngờ vì chưa chuẩn bị tâm lý cho lệnh cấm dài hơn, khi Ấn Độ vừa kết thúc lệnh giới nghiêm từ ngày 22/3", Nguyễn Huỳnh Khánh Linh nói. Lệnh giới nghiêm kéo dài 14 tiếng được cho là thử nghiệm quan trọng của Ấn Độ về khả năng chống lại đại dịch.
Ấn Độ khi đó ghi nhận hơn 500 ca nhiễm nCoV và 10 người chết, thấp hơn nhiều nước khác. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết số bệnh nhân tại nước này đang gia tăng với tốc độ tương đương giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch ở các quốc gia khác. Tình trạng này sau đó thường dẫn tới sự gia tăng ca nhiễm nCoV theo cấp số nhân.
Sau giây phút cảm thấy "trở tay không kịp", Linh quyết định đặt mua các loại thực phẩm tươi vì đã đủ đồ khô dành cho 7 người trong gia đình. Tuy nhiên, tất cả các nhà cung cấp đều báo không thể giao hàng vì không có giấy phép đi lại. Đến ngày 31/3, sau một tuần ở trong nhà, Linh đi mua thêm thực phẩm và phải giải trình khá lâu với cảnh sát về lý do ra đường. Khi chính phủ bỏ quy định giấy phép đi lại, các kênh bán hàng trực tuyến lại thiếu người giao hàng. Đến đầu tháng 4, nhiều nhà cung cấp thông báo chỉ nhận đơn khi khách trả tiền trước.
Tình trạng quá tải đơn hàng online cũng diễn ra tại Gujarat, bang phía tây Ấn Độ, cách New Delhi hơn 900 km, theo Nguyễn Thanh Tâm. Các thành viên trong gia đình cô đi chợ để mua rau quả tươi hai ngày một lần. Mọi người đều mang khẩu trang, rửa tay để tránh nCoV. Gia đình chồng Tâm, là người Ấn, phiên dịch ăn chay nên cô nói vui rằng mình "không bị áp lực nhiều về ăn uống". Người dân ở Gujarat đều trữ đồ khô theo thói quen nên không có hiện tượng đổ xô mua sắm.
Tại bang Himachal Pradesh ở đông bắc Ấn Độ, nằm trên dãy Himalaya, nơi Trần Tường Thụy đang sinh sống, chính quyền quy định người dân chỉ được đi ra đường trong thời gian 8-11h sáng để mua đồ. Cảnh sát không cho phép dùng phương tiện cá nhân để di chuyển, nhiều người phải đi bộ xa để mua sắm. Sau khi người dân kiến nghị, nhà chức trách cho phép họ gom chung để đặt hàng và chuyển tiền online, nhằm hạn chế tiếp xúc. Thuỵ chỉ mua đồ đủ dùng trong vài ngày, không tích trữ nhiều, vì các cửa hàng vẫn mở bán theo khung giờ quy định.
Người dân Ấn Độ chen chúc lên xe bus ở ngoại ô New Delhi, ngày 29/3, để về quê sau lệnh phong toả. Ảnh: Reuters. |
Dù bất ngờ nhưng Linh vẫn ủng hộ lệnh phong toả của chính phủ , cô cho rằng việc chính phủ không báo trước về lệnh hạn chế giúp người dân tránh hoảng loạn. Linh chấp nhận phải đối diện với cả khó khăn trong công việc, khi hàng của công ty bị kẹt ở Nhava Seva, cảng lớn nhất của Ấn Độ, thuộc thành phố Mumbai. Cô là đại diện một công ty của Việt Nam tại Ấn, chuyên về xuất khẩu nguyên liệu nhựa nguyên sinh. Chính phủ Ấn Độ cho phép tất cả các hàng vào cảng được xuất ra, không phân biệt là hàng thiết yếu, cho phép thông quan điện tử nhưng các doanh nghiệp vẫn không thể lấy hàng ra do thiếu tài xế và người bốc xếp.
"Nhiều lao động tự do làm việc ở cảng đã về quê sau lệnh phong toả. Hiện cảng chỉ có khoảng 50% nhân công", Linh nói.
Hàng chục triệu người Ấn Độ cố tìm cách rời khỏi các thành phố lớn để về quê sau khi chính phủ ban hành lệnh phong toả. Trong số 470 triệu lao động của Ấn Độ, khoảng 80% làm phi chính thức, theo New York Times .
Nguyễn Trung Đức, nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ, New Delhi, không ra khỏi khuôn viên trường từ 15/3, trước khi có các lệnh hạn chế để tránh nguy cơ bị nhiễm nCoV. Anh coi thời gian hạn chế đi lại lúc này là "cơ hội" để tập trung làm các nghiên cứu và thí nghiệm để hoàn thành luận văn thạc sĩ. Anh cũng bắt đầu tập yoga theo chương trình của Thủ tướng mang tên "Yoga With Modi" trên Youtube.
Nguyễn Hiền, đang sống ở Mumbai, đoán Ấn Độ rút kinh nghiệm khi theo dõi diến biến nhanh ở Hàn Quốc và Italy nên áp chính sách phòng Covid-19 chặt chẽ. Cảnh sát tăng hoạt động trên phố để giám sát người dân thực hiện lệnh hạn chế đi lại. Chủ các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc vẽ vòng tròn, đảm bảo mỗi khách hàng đứng xa nhau 3m. Hiền đang chứng kiến một Mumbai "vắng lặng chưa từng thấy".
Tính đến ngày 3/4, Ấn Độ ghi nhận hơn 2.500 ca nhiễm nCoV, trong đó 72 người chết.
Sống ở Ấn Độ 15 năm, Linh chưa bao giờ trải qua cảm giác bối rối như lúc này. Cô không hoảng sợ trước dịch bệnh nhưng cũng không có cảm giác an tâm hoàn toàn. Mỗi khi có việc ra đường về cô đều phải tắm rửa, giặt đồ để diệt khuẩn, dùng nước muối xúc họng khi bị ho.
"Tôi thấy mình đang phải chiến đấu với một kẻ thù vô hình", Linh nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét